Đề cập đến một số vấn đề của ngành mía đường hiện nay và các giải pháp tháo gỡ, tại Hội thảo “Để mía không đắng”, tổ chức mới đây, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã đưa ra khuyến nghị nêu trên.
Đổ vỡ các chỉ tiêu
Ngày 18/4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã phê duyệt Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến 2030 (Quyết định số 1369/QĐ-BNN-CBTTNS), trong đó, đặt ra mục tiêu đến năm 2020, diện tích sản xuất mía ổn định đạt 300.000 ha, sản lượng mía đạt trên 20 triệu tấn, sản lượng đường đạt 2 triệu tấn; đến năm 2030 giữ ổn định diện tích, tăng năng suất để đạt sản lượng mía 24 triệu tấn, sản lượng đường 2,5 triệu tấn…
Tuy nhiên, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), dẫn số liệu từ các nhà máy đường, cho thấy, niên vụ mía đường 2020/2021, sản lượng mía nguyên liệu tiêu thụ, đưa vào chế biến chỉ đạt 6.739.417 tấn mía (dự kiến đầu vụ là 7.498.060 tấn). Đây là vụ sản xuất có sản lượng mía tiêu thụ, đưa vào chế biến thấp nhất trong 20 vụ gần đây, số lượng nhà máy đường hoạt động cũng đã giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay, chỉ còn 24 nhà máy. Sản lượng đường các nhà máy sản xuất được là 901.230 tấn (đường sản xuất từ mía là 689.830 tấn, còn lại là luyện từ đường thô nhập khẩu), giảm 10,17% so với niên vụ 2019/2020.
VSSA cho biết, niên vụ 2020/2021, mặc dù giá mía nguyên liệu tăng khoảng 150.000 - 200.000 đồng/tấn so với niên vụ trước, nhưng nhiều nông dân vẫn không mặn mà với cây mía, không đầu tư chăm sóc hoặc chuyển đổi sang trồng cây khác dẫn đến năng suất, chất lượng và sản lượng mía đều giảm so với niên vụ trước.
Số liệu của Tổng cục Thống kê (2020) công bố, cho thấy, tổng diện tích trồng mía toàn quốc năm 2020 là 187.100 ha, giảm 19,83% so với năm năm 2019; năng suất mía bình quân toàn quốc năm 2020 đạt 63,5 tấn/ha, giảm 2,9% so với năm 2019; sản lượng mía năm 2020 chỉ đạt 11.877.500 tấn, giảm 22,2 % so với năm 2019.
Chế biến đường |
Đối chiếu với mục tiêu đã đề ra, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thì sản lượng mía đến năm 2020 chỉ đạt 59%; diện tích trồng mía chỉ đạt 62%. Còn theo số liệu tổng hợp của VSSA, sản lượng đường sản xuất niên vụ 2020/2021 của các nhà máy, chỉ đạt 45% so với mục tiêu đề án đặt ra. Sau hơn 2 năm thực hiện đề án nêu trên, mục tiêu phát triển mía đường đến năm 2020 là không đạt, kết quả còn cách rất xa chỉ tiêu cụ thể đã đề ra. Với thực trạng ngành mía đường hiện nay, có thể khẳng định, mục tiêu tầm nhìn đến 2030 của đề án cũng rất xa vời, rất khó có thể hiện thực hóa được.
Nguyên nhân đổ vỡ các chỉ tiêu đề án đã đề ra, theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, do giá đường thế giới giảm sâu (năm 2019, 2020, giảm 18 - 20% sovới 3 năm trước) dẫn đến giá đường và giá mía nguyên liệu thấp, sản xuất mía bị thua lỗ, người nông dân thu hẹp diện tích mía. Hội nhập ATIGA, ngành mía đường gặp nhiều thách thức trước sự cạnh tranh của đường nhập khẩu, bên cạnh đó là đường nhập lậu chưa giải quyết được triệt để. Khâu trồng mía hiệu quả còn thấp, cạnh tranh giữa cây mía với các loại cây trồng khác gay gắt. Biến đổi khí hậu gây nhiều tác động tiêu cực, làm giảm năng suất mía ở những vùng trọng điểm. Thiếu lực lượng lao động, nhất là thời điểm thu hoạch mía, khiến giá nhân công tăng cao dẫn đến giá thành sản xuất mía và đường cao.
Ngoài yếu tố khách quan, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cũng cho rằng, sản xuất mía tại nhiều địa phương quy mô hộ gia đình manh mún, nhỏ lẻ, dẫn đến hạn chế việc đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như áp dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành sản xuất mía. Bên cạnh đó, một số nhà máy đường máy móc thiết bị đã cũ, dẫn đến chi phí lớn; một số doanh nghiệp đường đầu tư nâng cấp công nghệ hoặc đầu tư mới dự án sản xuất sản phẩm cạnh đường và đầu tư ngoài ngành đường còn chưa phát huy hiệu quả. Khâu phân phối, tiêu thụ đường, các doanh nghiệp tổ chức chưa hợp lý khiến đẩy giá bán lẻ đường cao, khó cạnh tranh.
Giải pháp nào?
Lợi thế đối với ngành mía đường Việt Nam là có điều kiện tự nhiên thuận lợi phát để triển cây mía; được nhà nước quan tâm, hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển, kể cả sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp với pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế đối với sản phẩm đường nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, điểm yếu của ngành mía đường Việt Nam, vẫn là chi phí sản xuất, giá thành mía và giá đường còn cao. Mối liên kết giữa các thành phần tham gia chuỗi giá trị mía đường, nhất là quan hệ "cộng sinh” giữa các nhà máy đường với người nông dân trồng mía vẫn chưa chặt chẽ. Người nông dân luôn yếu thế, chịu thiệt thòi mỗi khi biến động khó khăn của thị trường đường tác động, cũng như trong quan hệ mua bán, tiêu thụ mía nguyên liệu, trong khi đóng góp của người nông dân vào giá trị hạt đường chiếm đến khoảng 70%.
Thu hoạch mía |
Để thúc đẩy phát triển ngành mía đường, ngày 14/7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về triển khai các giải pháp phát triển ngành mía đường trong tình hình mới, trong đó giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn kinh phí hàng năm cho công tác nghiên cứu giống mía mới và hỗ trợ triển khai dự án giống mía ba cấp ở vùng sản xuất mía trọng điểm; đẩy mạnh cơ giới hóa, thủy lợi hóa những vùng mía tập trung; nghiên cứu sản xuất, chế biến để đa dạng hóa các sản phẩm từ cây mía và từ phế phụ phẩm trong sản xuất đường.
Phối hợp với các địa phương và các nhà máy đường xây dựng các mô hình cánh đồng mía lớn được cơ giới hóa đồng bộ tại các vùng trồng mía tập trung gắn với phát triển hợp tác xã nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Rà soát, bổ sung các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về sử dụng các chất bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm trong sản xuất mía, đường và quản lý đường nhập khẩu...
Đồng thời, rà soát quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mía nguyên liệu nhằm đảm bảo tính minh bạch về chữ đường, giá mía trong quan hệ mua bán mía nguyên liệu giữa doanh nghiệp và nông dân. Nghiên cứu đề xuất bổ sung cây mía vào nhóm cây trồng thuộc đối tượng hỗ trợ bảo hiểm khi xảy ra thiên tai gây ảnh hưởng đến người nông dân trồng mía theo Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp.
Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng, là định hướng quan trọng cho phát triển ngành mía đường trong tình hình mới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục nỗ lực triển khai hiệu quả các nhiệm vụ Thủ tướng giao. Việc thực hiện không thành công mục tiêu ban đầu của Đề án Phát triển mía đường đến năm 2020 và định hướng đến 2030, là một bài học rất đáng để cho các đơn vị có liên quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phải suy xét.
Tại Chỉ thị 28/CT-TTg, Thủ tướng cũng đã giao cho VSSA chủ động xây dựng Đề án Cơ cấu lại các doanh nghiệp mía đường, theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và tập trung đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và tính cạnh tranh, phù hợp với bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Đại diện VSSA, cho biết, tới đây sẽ tập trung để xây dựng chiến lược phát triển của ngành mía đường trong tình hình mới, theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Chỉ thị 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngọc Quỳnh