TTO - Sau năm 2018, nhiều khả năng thuế suất nhập khẩu đường ở các nước trong khu vực ASEAN sẽ về 0%, không còn là rào cản để bảo vệ ngành đường trong nước. Đáng lưu ý, lượng đường nhập khẩu được dự báo tăng, gây áp lực không nhỏ đến giá đường sản xuất trong nước.
Tin hoạt động
Đây là nhận định được nhiều chuyên gia đưa ra tại Hội thảo tái cơ cấu ngành mía đường Việt Nam do Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) và Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) tổ chức trong hai ngày 17 và 18-8 tại Bình Thuận.
Theo đại diện của TTC, đây hoạt động nhằm thực hiện chủ trương “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Đứng trước ngưỡng cửa hội nhập với nhiều cơ hội và thách thức, nhiều chuyên gia cho rằng, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh tạo tiền đề phát triển bền vững cho ngành mía đường Việt Nam, các công ty trong ngành cần nỗ lực đổi mới không ngừng nhằm phát huy nội lực, nâng tầm vị thế cạnh tranh trong nước và quốc tế.
Theo báo cáo của VSSA, kết thúc niên vụ 2016 - 2017, sản lượng đường trong nước đạt gần 1.227 triệu tấn và đây là niên vụ thứ 3 liên tiếp sản lượng đường sụt giảm.Sự kiện có sự tham dự của ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lãnh đạo Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, lãnh đạo Hiệp hội Mía đường Việt Nam và đại diện các Bộ, Cục, Sở, ban ngành, các viện nghiên cứu, cùng hơn 400 đại diện của cộng đồng doanh nghiệp, diễn giả, chuyên gia đầu ngành trong nước và quốc tế, các hộ nông dân tiêu biểu…
Toàn cảnh Hội thảo: hơn 400 khách mời dự hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo: hơn 400 khách mời dự hội thảo
Ông Phạm Quốc Doanh, Chủ tịch VSSA cho biết Việt Nam hiện có 41 nhà máy đường với tổng công suất 150.000 tấn mía mỗi ngày. Diện tích mía cả nước là gần 300.000 héc ta với năng suất 64,5 tấn/héc ta.
Những con số này cho thấy ngành mía đường trong nước còn nhỏ bé, và năng suất mía cả nước còn thấp hơn nhiều so với thế giới.
Theo ông Phạm Hồng Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty ngành đường TTC, nhìn vào các quốc gia có sản xuất đường trong khu vực sẽ thấy Việt Nam cần thay đổi nhiều, đặc biệt là trong các vấn đề về hành lang pháp lý. Cụ thể, Thái Lan và Philippines đã có luật mía đường, còn Việt Nam đến nay vẫn chưa có.
“Nếu Brazil được xem là quốc gia sản xuất, xuất khẩu mía đường hàng đầu thế giới với chính sách hỗ trợ của nhà nước, công tác nghiên cứu giống mía và sử dụng hiệu quả công cụ quản lý nông nghiệp chính xác, thì ở châu Á, Thái Lan là quốc gia đứng đầu về lĩnh vực này. Trong chiến lược phát triển ngành đường, Thái Lan xem châu Á là thị trường tiêu thụ chính. Vì thế, quốc gia này luôn có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất mía đường trong nước hướng đến mục tiêu này”, ông Dương nhấn mạnh.Chia sẻ về quan điểm của TTC trong tái cơ cấu doanh nghiệp mía đường, ông Dương cho biết diện tích trồng mía của Thái Lan gấp 5 lần Việt Nam, nhưng sản lượng đường lại gấp 8 lần. Philippines có 450.000 héc ta mía, mỗi vụ sản xuất được 2,5 triệu tấn đường; còn Việt Nam có 300.000 héc mía nhưng mỗi vụ chỉ sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường.
toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Huỳnh
toàn cảnh hội thảo. Ảnh: Minh Huỳnh
Nhiều năm trở lại đây, sản lượng đường của Việt Nam đã tăng lên nhờ được đầu tư vào khâu giống nên năng suất cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, số lượng vẫn thấp hơn Thái Lan và Phillipines. Đều này cho thấy chính sách phát triển mía đường của các nước trong khu vực có thể tốt hơn Việt Nam.
Theo các chuyên gia, nhìn vào chiến lược phát triển ngành đường của các nước trong khu vực, có thể khẳng định thị trường trong nước sẽ càng bị cạnh tranh gay gắt hơn trong thời gian sắp tới.
“Phillipines hiện có chiến lược đa dạng hóa sản phẩm vì ngoài đường, quốc gia này sẽ sản xuất thêm xăng sinh học. Do đó, thị trường Việt Nam nếu muốn giảm giá thành sản phẩm thì nên ứng dụng phương thức này. Vấn đề hiện nay là tiêu thụ xăng sinh học tại thị trường nội địa đang gặp khó khăn. Như vậy, việc sản xuất xăng sinh học sẽ là một thách thức lớn nếu Chính phủ không có thêm những chính sách phù hợp cho sản phẩm này trong thời gian tới”, chuyên gia kinh tế Bùi Văn cho biết.
Trong bối cảnh thị trường tiêu thụ chậm, đường tồn kho tăng cao, đường lậu lại diễn biến phức tạp, nhất là việc thực hiện cam kết nhập khẩu một lượng đường nhất định tăng 5% mỗi năm với WTO, tình trạng gian lận thương mại từ các quốc gia trong khu vực sẽ vẫn là những vấn đề lớn mà ngành đường trong nước phải đối mặt.
Theo các chuyên gia, tính tới thời điểm này, đường Việt Nam chỉ được xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc nhưng số lượng không nhiều và luôn phải đối mặt với tình trạng cấm biên. Vì thế, giá đường nội địa sẽ bị áp lực giảm giá mạnh một khi thị trường có số lượng lớn đường nhập khẩu giá rẻ.
Với những vấn đề đã được đề cập, theo VSSA, sẽ có nhà máy đường phải đóng cửa vì sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh được với đường nhập khẩu.
Những năm gần đây, trong khi chờ những chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, nhiều nhà máy đường đã bắt tay xây dựng chiến lược tái cơ cấu. Cụ thể, để giải quyết bài toán sản xuất manh mún nhỏ lẻ, không thể cơ giới hóa hay thủy lợi, các công ty mía đường đã chủ động liên kết với nông dân để xây dựng cánh đồng mía lớn, đầu tư máy móc, cơ giới hóa nhằm giảm chi phí sản phẩm.
Các diễn giả thảo luận: Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT TCT Ngành Đường TTC chủ trì phiên thảo luận với sự tham gia của TS. Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, TS. Prasert Tapaneyangkul - Chủ tịch Hiệp hội kỹ thuật môi trường Thái Lan, Cố vấn tập đoàn Cristalla và Ông Guilherme Nastari, Giám đốc điều hành công ty Datagro (Brazil).
Các diễn giả thảo luận: Ông Phạm Hồng Dương - Chủ tịch HĐQT TCT Ngành Đường TTC chủ trì phiên thảo luận với sự tham gia của TS. Phạm Quốc Doanh - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, TS. Prasert Tapaneyangkul - Chủ tịch Hiệp hội kỹ thuật môi trường Thái Lan, Cố vấn tập đoàn Cristalla và Ông Guilherme Nastari, Giám đốc điều hành công ty Datagro (Brazil).
Theo đại diện của TCC, phương thức này đã giúp giá thành sản phẩm đường của đơn vị này giảm đáng kể, góp phần tăng tính cạnh tranh đối với đường nhập khẩu.
Đại diện VSSA cho biết, cơ quan này đang vận động các cơ quan chức năng, ban ngành thành lập quỹ phát triển mía đường với mục đích có thêm nguồn tài chính để hỗ trợ người trồng mía, các nhà máy trong việc tái cơ cấu.
Cũng tại sự kiện, TTC đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) hợp tác với hai tổ chức quốc tế uy tín là Tập đoàn Mitr Phol (Thái Lan) và Viện nghiên cứu mía đường Vasantdada (Ấn Độ).
Được biết, Mitr Phol là tập đoàn có lịch sử hơn 70 năm hình thành phát triển, hiện đứng đầu châu Á và đứng thứ 4 trên thế giới về lĩnh vực sản xuất đường, sở hữu nhiều nhà máy tại Thái Lan.
Trong khi đó, Viện nghiên cứu mía đường Vasantdada có bề dày kinh nghiệm 42 năm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật ngành đường Ấn Độ, giữ vai trò quan trọng, đóng góp to lớn vào sự chuyển mình vươn lên mạnh mẽ của ngành đường đất nước này cũng như có sức ảnh hưởng đến 1,5 triệu nông dân trồng mía và 7,5 triệu người sống phụ thuộc.